Tự hào đồng hành cùng thế hệ tương lai tại ngôi trường công nghệ hàng đầu
Ngày đăng: 10/12/2022
Ấp ủ mong ước đưa Công nghệ, STEM đến gần hơn với những mầm non của đất nước, cô Trần Thị Bích Hằng đã quyết định rời vị trí giảng viên để gia nhập FPT Schools, dìu dắt, đồng hành cùng thế hệ tương lại tại ngôi trường thuộc tập đoàn công nghệ hàng đầu.
Trước khi về công tác tại trường FPT Schools vào năm 2019, cô Trần Thị Bích Hằng, tổ trưởng chuyên môn Tin học & Công nghệ 4.0 có 9 năm kinh nghiệm giảng dạy bộ môn Điện tử, lập trình tại một trường Cao đẳng về Công nghệ.
Xuất thân trong gia đình có truyền thống làm nghề giáo nên tình yêu với nghề đã thấm vào cô từ khi nào không hay. Theo học ngành điện tử, cô Hằng cũng đôi lúc tự hỏi bản thân: “Vì sao những kiến thức về công nghệ, điện, điện tử, lập trình rất hay nhưng lại có ít bạn nữ hào hứng như vậy. Từ đó, tôi ấp dự định đưa công nghệ đến gần hơn với các bạn học sinh”.
Để dần hiện thực hoá ước mơ của mình, bên cạnh thời gian giảng dạy cho sinh viên, cô Hằng dành nhiều công sức tìm hiểu về STEM, Công nghệ, lập trình dành cho lứa tuổi học sinh Tiểu học, THCS.
“Tôi vẫn luôn ao ước rằng, thể hệ trẻ Việt Nam được học các bộ môn này từ khi còn nhỏ, để đến giai đoạn sinh viên, các em có thể dễ dàng tạo ra các sản phẩm giúp giải quyết các vấn đề trong cuộc sống một cách hiệu quả”, cô Hằng mong mỏi.
Khi biết đến FPT School là ngôi trường mà học sinh được tiếp cận với công nghệ, giáo dục STEM ngay ở cấp Tiểu học, cô Bích Hằng đã rất hào hứng và đăng ký ngay vào trường.
“Ngay sau khi apply thành công, tôi đã bắt tay vào xây dựng chương trình học, đưa ra các sản phẩm học tập chất lượng, phù hợp với từng đối tượng học sinh ở khối Tiểu học và THCS”, cô Hằng hào hứng kể lại.
Môn Tin học, Công nghệ và STEM là các môn học thực hành nhiều, đặc biệt là môn Công nghệ, STEM có vật tư đa dạng. Tại FPT Schools, Ban Giám hiệu nhà trường luôn quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư cho hoạt động giảng dạy. Học sinh rất hào hứng với các môn học mang tính sáng tạo và đổi mới như STEM, Tin học, Công nghệ 4.0.
Tuy nhiên, cô Hằng cũng chỉ ra một số khó khăn trong quá trình giảng dạy như: Các môn học phần lớn thời gian là thực hành, cần vật tư đa dạng, phong phú, có sự thử nghiệm kỹ lưỡng trước mỗi giờ học. Vì vậy, thầy cô cần lên kế hoạch giảng dạy, chuẩn bị vật tư trước mỗi kỳ học, và dành thời gian thử nghiệm sản phẩm, đảm bảo phù hợp với từng lứa tuổi để sản phẩm được tạo ra không chỉ giải quyết vấn đề thực tế mà còn đảm bảo đẹp, sáng tạo, độc đáo và ổn định.
“Ngoài ra, Tin học, Công nghệ 4.0 và STEM đều là những môn học mới, cần được cập nhật liên tục, do đó đòi hỏi giáo viên cần có khả năng nghiên cứu, không ngừng nỗ lực, đổi mới, sáng tạo. Thật tuyệt vời, khi tổ Stem & Công nghệ 4.0 luôn có các thầy cô tận tâm, yêu nghề, nhiệt huyết và máu lửa”, cô Bích Hằng chia sẻ thêm.
Xuất phát từ tình yêu môn học và tình yêu với thế hệ học trò, các thầy cô tổ STEM & Công nghệ 4.0 luôn truyền tải những kiến thức của mình một cách hiệu quả nhất đến học sinh, thông qua các hoạt động thực hành, lấy học sinh làm trung tâm trong các giờ học.
Những giờ học công nghệ tưởng chừng khô khan, khó nhằn nhưng qua gợi ý, định hướng của thầy cô giúp học sinh dễ hiểu hơn.
“Các em được trực tiếp đóng vai trò là các kỹ sư để nghiên cứu, thử nghiệm, đưa hướng giải quyết vấn đề, nhằm phát huy tối đa khả năng vận dụng kiến thức. Đồng thời, tăng cường các kỹ năng toàn diện của học sinh như: Sáng tạo, hợp tác nhóm, tư duy phản biện, thuyết trình…”
Kỷ niệm khiến cô Hằng nhớ nhất đó là sau khi giảng dạy STEM cho các lớp Tiểu học, các con rất háo hức, mong chờ, mỗi lần gặp cô từ xa đã reo lên “Con chào cô STEM, cô vào lớp con đi..”, “trái tim tôi tan chảy luôn trước tình cảm của các con”, cô Hằng xúc động nói.
Hoặc Khi dạy công nghệ 4.0 tại khối THCS, thông thường các con sẽ học và thực hành luôn trên lớp, nhưng khi về nhà, cũng có rất nhiều bạn chuẩn bị luôn bài học của tuần tiếp theo để lắp robot, thử lập trình, thử nghiệm và quay video bài gửi cô giáo.
Chia sẻ về điều tự hào nhất sau 3 năm gắn bó tại FPT Schools, cô Hằng nói: “Với tôi, sự hào hứng của học sinh trong mỗi tiết học, sự tiến bộ của các con qua từng dự án học tập là điều khiến tôi tự hào nhất. Học sinh FPT Schools tiếp cận công nghệ, Tin học từ rất sớm, không chỉ kiến thức mà cả kỹ năng. Khi học sinh tham gia các hoạt động trong và ngoài trường đều rất tự tin, thể hiện năng lực sử dụng công nghệ tốt”.
Khi thấy học sinh yêu thích môn học của mình như vậy đã truyền cho tôi động lực, nhiệt huyết để thêm yêu và gắn bó với nghề.
Trong năm học 2021 – 2022 vừa qua, học sinh FPT Schools tham đa dạng các cuộc thi STEM, Tin học, Công nghệ ở trong và ngoài nước, đạt được nhiều giải thưởng cao như: + 6 giáo viên hướng dẫn học sinh đạt giải trong các cuộc thi toàn quốc + 60 học sinh đạt giải trong các cuộc thi Tin học, Công nghệ, STEM cấp quốc gia: 01 Giải Bạc, 03 giải Khuyến khích cuộc thi Lập trình Toán học Toàn Cầu GMCC, 01 giải Nhất Tin học trẻ quận Cầu Giấy, giải Khuyến khích tin học trẻ TP Hà Nội, 01 giải Ba học sinh giỏi Tin học quận Cầu Giấy, 12 giải Vàng, 04 Bạc, 01 Đồng Olympic Tin học HKICO, giải Ba STEMpetition do tập đoàn FPT tổ chức. + Giải Nhì, giải Ba cuộc thi Tin học trẻ phần thi sản phẩm sáng tạo “Cảm biến vân tay”, “Thiết kế nhà nổi chống lũ” + 3 thầy cô đạt giải sáng kiến kinh nghiệm cấp Quận + Giải Merit cuộc thi APICTA, lập trình Minecraft khu vực Châu Á, Thái Bình Dương. + Giải Robot sáng tạo cuộc thi Sáng tạo robot Nông nghiệp HNUE, do Đại học Sư phạm tổ chức. + Tham gia và đạt Top 200 cuộc thi IPRC, Sáng tạo robot online lần thứ nhất do hang roborobo Hàn Quốc tổ chức + 2 dự án tham gia IJC Imagine Cup |