THCS: Trải nghiệm Hoàng thành Thăng Long và Làng gốm Bát Tràng
Ngày đăng: 07/12/2023
Vừa qua, các học sinh Khối THCS FPT Schools Hà Nam đã có một chuyến đi trải nghiệm vô cùng bổ ích và lý thú tại Hoàng Thành Thăng Long và làng gốm Bát Tràng.
Với mục tiêu giáo dục kỹ năng sống, nâng cao tinh thần gìn giữ và bảo vệ di sản văn hoá Việt Nam. Học sinh đã cùng nhau tham quan Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội, tìm hiểu lịch sử hào hùng của nước nhà:
Đoan Môn: dịch cụ thể theo tiếng Hán, Đoan nghĩa là đoan trang, Môn nghĩa là cửa, có thể tạm dịch là “ cửa đoan chính”, ý muốn nói trước khi vào đây trang phục cần chỉnh tề và nghiêm chỉnh trước khi đi qua cánh cổng này.
Di tích nền điện Kính Thiên: Điện Kính Thiên khi xưa được các nhà vua thời Lý, Trần, Lê làm lễ hàng năm cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân được ấm no hạnh phúc. Theo tương truyền, điện Kính Thiên xưa được xây dựng trên đỉnh núi Nùng, ngọn sơn danh khí của đất Thăng Long, hội tụ những tinh túy của đất trời tạo nên sự thịnh vượng cho kinh thành nước ta khi xưa.
Nhà lưu trữ bảo vật: khu lưu trữ bày biện hiện vật như: bát, gốm sứ, đố trang sức, vũ khí có niên đại lâu đời, được sắp xếp theo thời gian từng vương triều thời phong kiến: Lý – Trần – Lê – Trịnh – Nguyễn.
Hầm D67 và nhà D67: Được xây dựng năm 1967, nơi đây là phòng họp của Bộ chính trị và quân ủy Trung ương. Hầm và nhà D67 được xây dựng kiên cố để chống chịu được bom đạn của không quân Mỹ khi đó đang ra sức ném bom miền Bắc, hầm có chiều sâu 9m có hệ thống cửa thép chắc chắn giúp bảo vệ an toàn các cán bộ đầu não của nước ta thời kỳ đó.
Hậu Lâu: hay còn được gọi là lầu công chúa, xây dựng dưới thời nhà Lê là nơi sinh hoạt của các công chúa hay cung phi, đến thời nhà Nguyễn đây trở thành nơi ở của cung tần đi theo vua trong mỗi chuyến Bắc tuần.
Tiếp đến, các con học sinh đã di chuyển đến làng gốm cổ Bát Tràng tham gia hoạt động trải nghiệm thú vị: vuốt gốm, tô tượng, giao lưu cùng nghệ nhân Bát Tràng…
Mong rằng sau buổi trải nghiệm, các con đã có thêm cho mình những kiến thức bổ ích cũng như thêm yêu và trân trọng, gìn giữ nét văn hoá truyền thống, lịch sử hào hùng của dân tộc ta.