KHI CON NHÀ CÔNG NGHỆ LÀM ĐỒ CHƠI TRUNG THU
Ngày đăng: 30/09/2020
Những tiết học mùa Trung Thu trở nên cuốn hút hơn khi FPTer được ứng dụng kiến thức công nghệ thông tin để sáng tạo đồ chơi cho mùa trăng tròn.
Lập trình “Cung trăng tuổi thơ” – CLB Scratch Junior
Thế giới cung trăng huyền bí với chị Hằng, chú Cuội, thỏ ngọc, cây đa luôn thu hút sự tò mò của các bạn nhỏ. Trong tiết học của CLB Scratch Junior dịp Trung thu, Ếch Cốm đã được thầy cô hướng dẫn lập trình cung trăng tuổi thơ bằng những câu lệnh kéo thả đơn giản.
Lắp ráp và lập trình mô hình đèn kéo quân – CLB Robot
Mong muốn để các con khối THCS hòa mình cảm nhận không khí mùa lễ hội trăng rằm, thầy Phạm Xuân Bách (giáo viên phụ trách CLB Robot) đã hướng dẫn học sinh lắp ráp và lập trình mô hình đèn kéo quân.
“Các đồ chơi thủ công đã quá quen thuộc với con trẻ, cũng dễ mua ngoài cửa hàng, nhưng với kiến thức học sinh FPT được học, các con hoàn toàn có thể sáng tạo ra mẫu đèn kéo quân đậm chất Công nghệ để vui Trung thu. Đây cũng là một trải nghiệm để các con ứng dụng các thao tác lắp ráp, viết câu lệnh lập trình và hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo của riêng mình”, thầy Bách chia sẻ.
Về cấu tạo của đèn kéo quân, thầy Bách cho biết, lồng đèn kéo quân được lắp rắp bởi những mảnh ghép le-go. Để trang trí cho lồng đèn, tùy từng học sinh sẽ tưởng tượng và lựa chọn các mảnh ghép để tạo hình. Các bạn lập trình lồng đèn xoay được (xoay xuôi/ngược chiều kim đồng hồ) và phát nhạc. Trên lớp các bạn thực hiện lập trình đèn kéo quân phát nhạc bài hát “Chiếc đèn ông sao”. Tại nhà, học sinh có thể lập trình thêm các bài hát Trung Thu khác để đèn kéo quân phát nhạc đa dạng hơn.
Là một học sinh đã từng tham dự giải quốc gia World Robotic Olympiad, dù đã lắp ráp, lập trình khá nhiều mô hình từ đơn giản đến phức tạp, nhưng Vương Trí Dũng (học sinh lớp 6A8) vô cùng thích thú khi làm chiếc đèn kéo quân trong giờ học của CLB Robot: “Đây là lần đầu tiên con làm đèn kéo quân. Con đã vận dụng tất cả những kiến thức từ lắp ráp, viết câu lệnh lập trình mà thầy đã dạy. Điều thú vị nhất là con được lắp thêm các bộ phận trang trí theo ý của mình, ban đầu con lắp phần thân đèn không đều nên khi quay đèn bị lệch trục đối xứng và nghiêng sang một bên, sau đó được thầy giải thích, hướng dẫn con đã hoàn thiện chiếc đèn trọn vẹn.”
Learning by doing là phương pháp học tập hiệu quả tại FPT Schools. Thông qua phương pháp này, học sinh được ứng dụng những kiến thức tưởng như khó hiểu và trừu tượng để sáng tạo các sản phẩm mang tính ứng dụng thực tế cao.