Học sinh THCS FPT hào hứng với hình thức báo cáo dự án cuối kỳ môn Vật Lý
Ngày đăng: 07/01/2021
Kiểm tra cuối kỳ môn Vật Lý khối THCS, bên cạnh bài thi viết, học sinh còn thực hiện một báo cáo dự án nhóm với các sản phẩm 100% handmade.
Hình thức thi cuối kỳ môn Vật Lý theo báo cáo dự án môn Vật Lý được triển khai trên toàn khối THCS. Mỗi khối sẽ thực hiện dự án khác nhau theo đúng nội dung các con được học tại trường. Đánh giá về thái độ khi học sinh tham gia làm dự án, cô Phạm Thị Nga – GV Vật Lý FPT Schools chia sẻ: “Trong quá trình tham gia làm dự án, từ bước chia nhóm đến báo cáo trực tiếp các con tham gia rất tích cực và đều thích thú với cách kiểm tra mới lạ này”.
Khối 6: Dự án “Máy cơ học đơn giản”
Đối với khối 6, đây là lần đầu tiên các con tham dự hình thức vừa kiểm tra giấy vừa kiểm tra báo cáo dự án lấy điểm cuối kỳ. Vận dụng kiến thức của 6 loại máy cơ đơn giản đã học cùng các kỹ năng mềm Ếch Cốm khối 6 đã sáng tạo ra những mô hình sản phẩm vô cùng độc đáo và mới lạ.
“Phần thực hành là lợi thế của con, bởi con luôn thích sự sáng tạo. Với mô hình trò chơi bắn tên, nhóm con đã sử dụng những loại máy cơ đơn giản: bánh xe; mặt phẳng nghiêng, bọn con tự tin có thể đạt từ 8-9 điểm” – Hoàng Hiệp (6A4) tự tin chia sẻ.
Khối 7: Dự án “Âm học” và dự án “Quang học”
Với kiến thức đã được học trong chương “Âm học”, cụ thể là kiến thức qua các bài Tần số và Độ to, Ếch Cốm khối 7 thực hành chế tạo nhạc cụ. Sản phẩm mà các con sáng tạo đều là những thiết kế độc lạ, nhiều màu sắc và mang đậm dấu ấn của nhóm.
Sau khi nhận được sản phẩm của các nhóm, cô Nga cho biết, điều đáng tuyên dương dành cho học sinh khối 7 là các con tự chủ động nghiên cứu và tìm tòi được cách để thay đổi độ to cũng như tần số của dụng cụ âm nhạc. Đồng thời các con biết sáng tạo kết hợp giữa môn Vật Lý – khoa học thực nghiệm với môn Âm nhạc đầy tính giải trí để biểu diễn một tiết mục.
Bên cạnh đó, vận dụng những kiến thức về chương Quang học: Nguồn sáng và vật sáng; Gương cầu lồi; Gương cầu lõm;…. học sinh khối 7 FPT Schools đã sáng tạo ra rất nhiều sản phẩm độc đáo mang đậm chất con nhà Công nghệ như: máy chiếu phim tại gia, kính tiềm vọng cho tàu ngầm,…
Khối 8: Dự án làm thuyền tính lực đẩy Acsimet
Đối với học sinh khối 8, việc học tập qua dự án thực hành không còn quá xa lạ. Áp dụng cách học này, cuối kì 1 môn Vật Lý khối 8 triển khai hình thức báo cáo dự án “Làm thuyền”. Dự án đòi hỏi các con phải vận dụng toàn bộ kiến thức đã học: lực và áp suất, lực đẩy Acsimet,… để thiết kế một chiếc thuyền có thể ứng dụng trong cuộc sống. Không chỉ vậy, mô hình chiếc thuyền này còn yêu cầu mỗi nhóm phải sử dụng nguyên liệu tái chế thân thiện môi trường: vỏ hộp, bìa giấy,…
Sau khi hoàn thiện, các con sẽ tiến hành báo cáo sản phẩm trước lớp. Trong giờ báo cáo, các nhóm đều hăng hái trình bày khoe các ưu điểm của sản phẩm đồng thời trả lời các câu hỏi từ giáo viên.
Luôn yêu thích những giờ học thực hành Bảo Minh (8A1) chia sẻ: “ Từ khi nhận được thông báo về dự án, chúng con đã ngay lập tức tạo nhóm trên Google Meet để cùng học online tổng hợp lý thuyết. Với cá nhân con cảm thấy thực hành vô cùng thú vị, nó giúp con có thêm nhiều kiến thức thực tế. Ví dụ như để làm một chiếc thuyền hoàn chỉnh, có thể chìm nổi trên mặt nước thì chúng con phải vận dụng các công thức vật lý đã học. Qua đó những công thức vật lý không còn quá xa vời nữa.”
“Cho học sinh tự tay thực hành, làm dự án có rất nhiều ưu điểm: trước hết là gây hứng thú học tập, giúp con học tập và thu nhận kiến thức thu được một cách chủ động, đồng thời vào những giờ học báo cáo giúp lớp học luôn sôi nổi, hăng hái”, cô Đỗ Thị Tâm Trang – GV Vật Lý FPT Schools cho biết: “Ngoài ra, khi các con tự tay thực hành làm sản phẩm sẽ rèn luyện kỹ năng tìm tòi, nghiên cứu khoa và thói quen giải quyết các vấn đề bằng khoa học”.
Học tập theo dự án là trải nghiệm “đặc sản” của học sinh trường Tiểu học và THCS FPT Cầu Giấy. Thông qua cách học đi đôi với hành này, các con cũng nắm vững kiến thức lý thuyết, biết giải thích các hiện tượng trong cuộc sống đồng thời học được nhiều kỹ năng như làm việc nhóm, thuyết trình.