HỌC SINH LỚP 7 FPT SCHOOLS ÁP DỤNG IoT ĐỂ ĐO CHẤT LƯỢNG NƯỚC
Ngày đăng: 21/07/2020
Nổi danh là ngôi trường sở hữu nhiều môn học mang tính ứng dụng thực tiễn, FPT Schools ngày càng khẳng định sự hiệu quả của phương pháp “Learning by doing”. Trong dòng chảy đổi mới ấy, lớp học Công Nghệ 4.0 với “toán” đo chất lượng nước không chỉ khiến học sinh khối 7 thích thú mà còn chiếm được nhiều tình cảm của phụ huynh.
Một thực tế đáng báo động ở nước ta đó là tình trạng xâm nhập mặn đang diễn ra phức tạp tại Đồng Bằng sông Cửu Long, khiến cho diện tích lúa bị thu hẹp và công tác nuôi trồng thủy sản cũng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, ở nhiều nơi, nguồn nước bị bẩn gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân khi sử dụng.
Trước thực tiễn đặt ra, trong môn Công Nghệ 4.0, học sinh khối 7 FPT Schools được yêu cầu phải tạo ra một sản phẩm công nghệ có tính ứng dụng cao nhằm giải quyết những vấn đề trên. Và dự án nông nghiệp thông minh trong chăn nuôi thủy hải sản “Clean Water” – kiểm tra độ đục của nước được bắt đầu thực hiện.
Ứng dụng của dự án “Clean Water” là sử dụng thiết bị cảm biến để kiểm tra chất lượng nước. Chất lượng nước sẽ được thông báo cho người dùng để người dùng có hướng xử lý nguồn nước hoặc có các biện pháp nuôi trồng thủy sản thích hợp.
Công nghệ 4.0 bắt đầu từ việc khai thác tối đa các thiết bị công nghệ. Trong mỗi tiết học, học sinh đều tự trang bị cho mình một chiếc máy tính cá nhân để trực tiếp lập trình các câu lệnh và thử nghiệm.
Chia sẻ về nguyên tắc hoạt động của sản phẩm kiểm tra chất lượng nước, cô Trần Thị Bích Hằng, giáo viên phụ trách bộ môn Công nghệ 4.0 cho biết: “Để có thể đo độ đục của nước, học sinh sử dụng lập trình dạng text gõ từng câu lệnh thực hiện điều khiển cảnh báo và hiển thị giá trị độ đục thông qua sử dụng phần mềm arduino IDE.”
“Nhằm giúp học sinh dễ hiểu hơn về nguyên lý hoạt động của mạch điện tử, các con sẽ thực hiện bài mô phỏng ảo qua phần mềm tinker cad để có thể hình dung về cách thức hoạt động của sản phẩm. Sau đó, các bạn được chia nhóm, bắt đầu trực tiếp lắp mạch, lập trình và nạp chương trình để thử nghiệm cảm biến đo độ đục kiểm tra chất lượng nước. Nếu độ đục đạt tới ngưỡng nhất định thì sẽ cảnh báo ra đèn và còi.” – Cô Bích Hằng chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, bài học vẫn chưa dừng lại, nâng cao hơn, các con tiếp tục được học thêm ứng dụng IoT (Internet vạn vật) giúp hiển thị độ đục của chất lỏng trên điện thoại thông minh. Điều này giúp cho con người có thể quản lý được chất lượng nước ở bất cứ nơi đâu, miễn là có kết nối wifi ổn định. Khi chất lượng nước ở mức báo động, sẽ có chuông cảnh báo ra điện thoại di động.
Sự lo-gic trong chương trình Công nghệ 4.0 của khối 7 thể hiện qua việc nâng cao dần từ lập trình kéo thả sang lập trình dạng text gõ từng câu lệnh. Sau mỗi bài học, học sinh được xây dựng tư duy lập trình, hiểu sâu hơn về cấu trúc của chương trình, từng bước thực hiện sản phẩm của mình để tạo ra ý nghĩa trong đời sống thực tế.
Cuối dự án, học sinh được ôn tập lại các kiến thức đã học thông qua ứng dụng Quizziz theo cá nhân và theo nhóm. Các con vô cùng hào hứng với cách ôn tập hiệu quả, thú vị này.
“Con từng nghĩ rằng làm nông nghiệp sẽ rất vất vả. Trước khi học môn Công nghệ 4.0 thì con không biết công nghệ có thể áp dụng để đem lại hiệu quả phục vụ cho việc sản xuất. Bây giờ thì con chưa biết nhiều thứ nhưng chắc chắn trong tương lai khi học được nhiều hơn con sẽ dùng hiểu biết của mình để cải thiện Nông nghiệp.” – Phương Hoa, học sinh lớp 7A1 chia sẻ cảm nhận về môn học Công nghệ 4.0.
Từ các tiết học thú vị, học sinh được hiểu thêm nông nghiệp thông minh, đồng thời làm quen dần với lập trình, tự động hóa. FPT Schools tin rằng, với bước đệm gần gũi với thực tế nước nhà, trong tương lai mỗi học sinh sẽ cống hiến trí tuệ để góp phần phát triển đất nước vững bền.