Học sinh khối 7 và 8 TH&THCS FPT Cầu Giấy khám phá dòng chảy văn học Việt Nam
Ngày đăng: 31/10/2020
Sáng 29/10, học sinh khối 7 và 8 trường TH&THCS FPT Cầu Giấy tham quan Bảo tàng Văn học Việt Nam. Tại đây, các con đã cùng nhau khám phá tiến trình phát triển của lịch sử văn học nước nhà; và “vén bức màn bí ẩn” về câu chuyện cuộc đời của những tác giả, tác phẩm văn học nổi tiếng.
Bảo Tàng Văn học Việt Nam là địa điểm hấp dẫn đối với lứa tuổi học trò, đặc biệt là những học sinh yêu thích văn hóa đọc. Với không gian rộng lớn cùng hàng nghìn tư liệu, hiện vật quý giá, nơi đây đã thực sự chinh phục trái tim văn học của Ếch Cốm khối 7 và khối 8.
Thời tiết buổi sáng có mưa nhỏ và gió lạnh nhưng cũng không làm giảm sự hào hứng của Ếch Cốm với chuyến dã ngoại. Xuống xe từ trên đường lớn, học sinh cùng nhau xếp hàng đi bộ về phía bảo tàng.
Sau khi đến nơi, các con tập trung tại gian khánh tiết. Tại đây, các cán bộ bảo tàng đã giới thiệu về bảo tàng và hành trình khám phá văn học trong buổi sáng – Ếch Cốm sẽ cùng nhìn lại chặng đường phát triển của nền văn học nước nhà qua các thời kì: văn học dân gian, văn học trung đại và văn học hiện đại thông qua không gian trưng bày các hiện vật liên quan đến văn học nghệ thuật.
Từ gian khánh tiết, học sinh bắt đầu tìm hiểu dòng chảy văn học với những đại diện như: bài thơ thần Nam quốc sơn hà; Nguyễn Trãi ở chốn Côn Sơn hữu tình; Lê Thánh Tông với Tao Đàn nhị thập bát tú…
Dạo một vòng quanh khu trưng bày tầng 1, Ếch Cốm đã có được cái nhìn khái quát về 10 thế kỉ văn học nước nhà (từ thế kỷ 10 đến cuối thế kỷ 19), lịch sử chữ viết của dân tộc trên các loại chất liệu: từ giấy dó, vải, kim loại, gỗ cây…
Ấn tượng nhất với Ếch Cốm là những góc tái hiện khung cảnh đời sống của các tác giả văn học nổi tiếng trong đó có đại thi hào Nguyễn Du; và các không gian tái hiện cảnh sĩ tử lều chõng đi thi, cảnh trạng nguyên về làng vinh quy bái tổ…
Ngưỡng mộ nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương, chuyến tham quan bảo tàng lần này, Dương Hà (lớp 7A2) như được tiếp thêm nguồn năng lượng học tập từ chân dung nữ thi sĩ: “Khi tìm hiểu chân dung nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương con thấy hình ảnh một người phụ nữ thông minh, dám đấu tranh để giành hạnh phúc. Sắp tới trong chương trình học con sẽ học thơ của bà. Được tìm hiểu về Hồ Xuân Hương làm con hứng thú hơn với các bài giảng văn trên lớp”.
Đặc biệt, trong hành trình trải nghiệm, học sinh còn được theo dõi những thước phim tư liệu tác gia Nguyễn Trãi để hiểu hơn về những thăng trầm trong cuộc đời, sự nghiệp của ông.
Ở thời cận – hiện đại, các con được chiêm ngưỡng tất cả các “góc riêng” của những tên tuổi lớn trong nền văn học Việt Nam đầu thế kỉ 20: Phan Bội Châu, Tản Đà…; các nhà văn đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật: Nam Cao, Ngô Tất Tố, Tế Hanh… Mỗi “góc riêng” là một câu chuyện kể về đời, về nghề của các tác gia, gắn liền với những trang bản thảo, những tác phẩm xuất bản lần đầu, các kỷ vật như bộ bàn ghế, quần áo, kính, mũ, đôi giày vài, xe đạp, chiếc máy chữ,…
Đặc biệt, thế hệ nhà văn chống Pháp, chống Mỹ có những kỷ vật đã khiến Ếch Cốm xúc động như viên gạch đồng đội khắc tên nhà văn Trần Đăng để đánh dấu mộ ông khi ông hi sinh ở Lạng Sơn; hình ảnh tái hiện nhà thơ Thu Bồn cõng con đi dọc đường Trường Sơn đánh Mỹ;… Tất cả các câu chuyện đều được các con chăm chú lắng nghe, cẩn thận ghi chép.
Dưới sự hướng dẫn của cán bộ bảo tàng, các con còn được khám phá nông thôn Việt Nam qua những khung cảnh tái hiện thân quen: quán nước, giã gạo,…
Tiến Dũng (7A8) choáng ngợp trước không gian trưng bày của Bảo tàng văn học Việt Nam: “Con rất bất ngờ về khung cảnh được tái hiện ở bảo tàng, đặc biệt là hình ảnh làng quê. Con thấy ấm áp và gần gũi vô cùng khi nhìn thấy con trâu, thấy quầy nước,… Giống như con lạc vào một làng quê thực sự.”
Bên cạnh đó, với tinh thần chủ động học tập, Êch Cốm được tự do tham quan khu vực ngoài trời – nơi trưng bày những bức tượng đồng của danh nhân Việt Nam và Thế giới.
Tham gia tổ chức chương trình, cô Hà Thị Thanh Tâm – Giáo viên Ngữ văn, FPT Schools kỳ vọng chuyến đi sẽ giúp các con mở rộng tâm hồn, nuôi dưỡng tình yêu văn học, trân trọng những giá trị của cha ông và tự hào về sức sống mãnh liệt của nền văn học nước nhà qua các thời kỳ; đồng thời, đem đến cho các con cảm hứng để sáng tạo nhiều sản phẩm độc đáo như hóa thân thành một nhà báo viết về các tác giả, ứng dụng công nghệ thông tin để lập 1 trang fanpage giới thiệu tác giả văn học để đăng ảnh, video, ….