Học sinh FPT trải nghiệm lập trình trí tuệ nhân tạo
Ngày đăng: 06/01/2021
“Trí tuệ nhân tạo (AI) là một ngành công nghệ đột phá trong cách mạng công nghiệp 4.0. Không thể phủ nhận AI đang đi vào cuộc sống một cách mạnh mẽ, thay thế nhiều công việc thủ công, tốn sức lao động. Do đó, FPT Schools tạo điều kiện tốt nhất để học sinh được tiếp cận với công nghệ này một cách thú vị, dễ hiểu và trực quan để xây dựng niềm đam mê, truyền cảm hứng cho các con tiếp tục nghiên cứu các công nghệ tiên tiến trên thế giới.” – thầy Phạm Xuân Bách – GV Công nghệ thông tin chia sẻ.
Dự án trải nghiệm lập trình trí tuệ nhân tạo (AI) trên nền tảng phần mềm mBlock, Scratch cho học sinh khối 7 và ngôn ngữ Python, JavaScript cho học sinh khối 8 nằm trong chương trình môn Công nghệ và Tin học được FPT Schools thiết kế riêng. Nội dung dự án bao gồm: lập trình và trải nghiệm công nghệ AI trong nhận diện cảm xúc khuôn mặt, nhận diện tuổi tác, nhận dạng ảnh, nhận diện văn bản chuyển từ chữ viết (text) sang giọng nói (speech)…
Thông qua thao tác sắp xếp những câu lệnh, học sinh sẽ lập trình để máy tính nhận biết giới tính, độ tuổi,… và đưa ra lời chào hỏi thích hợp. Từ đó, xây dựng kho ngôn ngữ giao tiếp cơ bản của máy tính với con người.
Với giao diện hình ảnh dễ thương, giờ trải nghiệm đã đem đến nhiều tiếng cười cho học sinh. Hoàng Ngọc Hân (7A3) cảm thấy như được truyền cảm hứng học tập khi tiếp cận với trí tuệ nhân tạo: “Con thấy rất bất ngờ vì chỉ bằng một vài thao tác đơn giản là máy tính có thể trò chuyện được với mình. Tuy lời thoại còn đơn giản nhưng đây chính là động lực để con thử lập trình nhiều hơn, biết đâu chính chiếc máy tính lại trở thành một người bạn thân bí mật của con sau này.”
Một trải nghiệm khác về AI mà giáo viên FPT Schools đem đến cho học sinh là sử dụng trang web “Teachable Machine” của Google. Với “Teachable Machine” học sinh được phép “training model” (dạy) cho máy tính nhận diện các vật thể bằng cách chụp khoảng 40-50 bức hình gắn với vật thể học sinh muốn máy tính nhận biết. Sau khi máy tính tích lũy đủ dữ liệu cần thiết, nó có thể nhận dạng được vật thể khi đưa vật thể ra trước camera của máy. Tương tự đối với nhận diện chuyển động và âm thanh.
Chủ động tìm hiểu những lĩnh vực thực tế đang ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Lê Minh Đức (8A3) thực sự bị cuốn hút bởi những lợi ích mà AI mang lại cho đời sống con người. Đức cho biết, em mong muốn có thật nhiều hoạt động trải nghiệm thực hành công nghệ để có thể sáng tạo và phát triển những ý tưởng của riêng mình.
Thầy Nguyễn Tài Sỹ – GV Công nghệ thông tin FPT Schools đánh giá: “Qua kiến thức và trải nghiệm học trên lớp, học sinh sẽ hiểu được tính ứng dụng cao của trí tuệ nhân tạo. Ví dụ, trong đợt dịch Covid-19, AI giúp nhận diện hình ảnh của người có đeo khẩu trang hay không để các cán bộ quản lý đưa ra nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm túc việc phòng chống dịch.; hay ngành công nghiệp có thể ứng dụng AI để phân loại sản phẩm đúng chuẩn và sản phẩm lỗi.”
Với những bước khởi đầu, hoạt động giảng dạy về trí tuệ nhân tạo đã đặt nền móng cho đam mê cũng như bổ sung kiến thức nền tảng để học sinh tiếp tục phát triển những ý tưởng lập trình công nghệ.