Học sinh đừng chỉ chơi game, hãy trở thành “nhà phát minh” game
Ngày đăng: 07/01/2022
Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom cho rằng: “10 năm nữa, thế hệ học sinh hiện nay sẽ chơi game mỗi ngày, và chính các em sẽ là người sáng tạo, lập trình ra những trò chơi điện tử có ích.”
Tại Hội thảo trực tuyến “Vaccine Công nghệ cho con” do Hệ thống FPT Schools các cơ sở Hà Nội, Bắc Ninh và Đà Nẵng tổ chức tối 04/1, “thủ lĩnh” tập đoàn công nghệ đã chia sẻ với gần 4000 phụ huynh về lợi ích khi cho trẻ tiếp xúc sớm với công nghệ, và góc nhìn toàn cảnh về sự thay đổi của các ngành nghề trong 10 năm tới. Đồng thời, ông Hoàng Nam Tiến cũng khẳng định học sinh cần được xây dựng tư duy, kỹ năng sử dụng các thiết bị điện tử và nắm bắt các cơ hội ngay từ cấp Tiểu học và THCS.
Thay vì cấm đoán, hãy tạo điều kiện cho các con
Theo Chủ tịch Công ty Cổ phần Viễn thông FPT, hiện nay có rất nhiều phụ huynh lo ngại về việc con sử dụng công nghệ. Bởi, phụ huynh nghĩ rằng các con sử dụng với mục đích chơi game vô bổ, từ đó dẫn đến việc cấm con dùng các thiết bị điện tử, giám sát chặt chẽ mọi hoạt động của con.
Tuy nhiên, “đây là một sai lầm” – ông Hoàng Nam Tiến khẳng định – “bởi các con học sinh ở lứa tuổi mới lớn, muốn thể hiện bản thân và có tâm lý càng cấm lại càng muốn chơi. Các con sẵn sàng đối phó bằng cách trốn học, nói dối… để được chơi. Do đó, cấm không phải là giải pháp tốt.”
Để giải quyết vấn đề này, ông Tiến “mách nước”, bố mẹ nên để công nghệ trở thành sợi dây kết nối để thấu hiểu và khuyến khích con phát huy sự tự giác của bản thân. Sự tự giác này là việc tuân thủ theo quỹ thời gian và những nội dung mà cha mẹ – con cái đã thỏa thuận với nhau.
Ví dụ, khi con dành 2 tiếng để học thì con có 30 phút để chơi game, hoặc khi con đạt được một mục tiêu trong học tập như điểm 8 môn Toán thì con có thêm một buổi cuối tuần để chơi game con thích.
“Thay vì cấm đoán, phụ huynh có thể chơi thử game để đồng hành cùng con chinh phục những trò chơi thú vị và bổ ích. Từ đó, bố mẹ có thể cùng con tạo ra một kế hoạch hợp lý, một thời gian biểu phù hợp, và khi con thực hiện tốt sẽ được khen thưởng” – ông Tiến nhắn nhủ.
Bên cạnh đó, ở góc độ một phụ huynh, ông Hoàng Nam Tiến cũng chia sẻ thực tế cách mà ông đã và đang khuyến khích những người con của mình trong học tập và cuộc sống. Đó là, “cho con có thời gian tiếp xúc với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, đặc biệt là con được làm việc con thích.”
Để con trở thành “nhà phát minh”
Trong buổi Hội thảo “Vaccine công nghệ cho con”, Chủ tịch FPT Telecom đưa ra quan điểm của bản thân về những ngành nghề “hot” ở tương lai. Doanh nhân Hoàng Nam Tiến nhận định “những công việc liên quan đến CNTT, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI), sẽ rất phát triển. Những nghề trong tương lai đều là những nghề dựa trên nền tảng công nghệ. Phụ huynh cần tin rằng, trong thời gian ngắn nữa, trí tuệ nhân tạo sẽ “xâm lấn” vào mọi lĩnh vực.”
Vì vậy, để con tiếp xúc sớm với công nghệ là đúng đắn – đây chính là “tấm vé” mở ra cơ hội cho các em học sinh. Ông Tiến cho rằng, thế hệ tương lai sẽ không phải những cô cậu học trò tai nghe tay chép nữa. Chính các con sẽ là người phát minh, là nhà sáng chế và tự làm chủ cuộc sống này. Bắt đầu từ những việc nhỏ như: các con tạo ra game thông qua chính các nội dung học tập tại trường.
Cùng quan điểm với lãnh đạo của FPT Telecom, bà Phạm Thị Khánh Ly – Giám đốc Điều hành FPT Schools cơ sở Cầu Giấy (Hà Nội), đã chia sẻ với các phụ huynh về phương pháp triển khai các nội dung học tập môn STEM – Tin học – Công Nghệ 4.0 tại Hệ thống các trường TH&THCS FPT.
“Học tập tại hệ thống giáo dục FPT, các em học sinh được làm quen với lập trình và xây dựng kỹ năng công nghệ ngay từ cấp Tiểu học và THCS theo chuẩn quốc tế. Sau mỗi dự án (kéo dài khoảng 6-8 buổi), học sinh lớp 6 hoàn toàn có thể tạo ra game dựa trên sở thích, ý tưởng của bản thân mình.” – bà Khánh Ly khẳng định.
Ở góc nhìn chuyên gia, khi đánh giá về chương trình đào tạo và những hoạt động FPT Schools đang thực hiện, ông Hoàng Nam Tiến cho rằng “Đây là sự thay đổi hoàn toàn tích cực khi FPT Schools xây dựng được một chương trình đề cao người học, hướng các con tới mục đích trở thành công dân toàn cầu.”
Đặc biệt ông không ngần ngại chia sẻ rằng bản thân rất thích các phương pháp đang được nhà trường áp dụng, từ môn võ Vovinam giúp người học thêm tự hào tinh thần dân tộc, thêm tự tin; đến việc lồng ghép hoạt động trải nghiệm vào các môn học chính khóa như Toán, Tiếng Anh…để học sinh rèn luyện kỹ năng tự học, giải quyết vấn đề và khả năng sáng tạo. “Con em của chúng ta sẽ được tách biệt khỏi việc rập khuôn mẫu. Hãy để các con tự sáng tạo và được tự học nhiều hơn nữa”.
Bên cạnh các kỹ năng công nghệ, ông Tiến cũng khẳng định, để có thể trở thành công dân toàn cầu, học sinh cần sử dụng Tiếng Anh như một ngôn ngữ chứ không phải là ngoại ngữ, và chú trọng phát triển các kỹ năng như: tự học, phản biện, làm việc nhóm,… “Chính những bước đệm đó sẽ giúp thế hệ các em có thể làm việc trong môi trường hội nhập và trở thành người lao động thông minh và tránh khỏi cuộc đào thải nhân lực trong tương lai.”
Theo Chủ tịch FPT Telecom, giáo dục hiện nay phải lấy học sinh làm trung tâm, định hướng cho học sinh kỹ năng để các em tự học những gì tốt nhất và tự tìm được con đường phù hợp nhất cho mình. Đây cũng chính là triết lý giáo dục mà Hệ thống FPT Schools trên toàn quốc đang thực hiện.
Hệ Tiểu học và THCS FPT các cơ sở Cầu Giấy (Hà Nội), Bắc Ninh và Đà Nẵng hoạt động theo mô hình bán trú với nhiều điểm nổi bật, khác biệt trong chương trình đào tạo như chú trọng giáo dục công nghệ, tăng cường Tiếng Anh, phát triển kỹ năng toàn diện, và đa dạng hoạt động ngoại khoá.
Môi trường FPT tạo điều kiện để học sinh được trải nghiệm thực tế, rèn luyện sự tự giác trong học tập và các công việc như: lập kế hoạch, quản lý thời gian, quản lý tài chính, điều hoà các mối quan hệ… Từ đó, học sinh có thể chủ động ra quyết định, định hướng con đường phát triển cho chính bản thân.