Đột nhập workshop tâm lý học đường đầu tiên dành cho học sinh tại trường F
Ngày đăng: 11/11/2020
Những cảm xúc được gọi tên chính xác, được hướng dẫn chăm sóc đúng cách cùng nhiều hoạt động thú vị trong workshop tâm lý INSIDE OUT đã giúp Ếch Cốm hiểu hơn về chính mình.
Ngày 9/11, FPT Schools đã tổ chức thành công workshop INSIDE OUT – “Khám phá sắc màu cảm xúc trong bạn” với sự tham gia của 12 thành viên trong ban cán sự các lớp khối 6. Đây là workshop đầu tiên mở màn cho chuỗi workshop tâm lý học đường trong năm học 2020-2021.
Chia sẻ về quy mô Workshop, cô Phạm Thị Yến – cán bộ phụ trách Tâm lý học đường FPT Schools cho biết: “Các hoạt động hỗ trợ được chia ra làm 3 dạng: Hỗ trợ cá nhân, nhóm nhỏ và toàn trường. Với quy mô nhóm nhỏ, số lượng 12 bạn là vừa đủ. Đối với workshop đầu tiên này, 12 bạn tham dự đều là cán sự lớp, để sau khi trải nghiệm, rút cho mình bài học các bạn sẽ lan tỏa giá trị vào cộng đồng lớp học.”
Để học sinh nhanh chóng làm quen, ghi nhớ tên gọi và những đặc điểm của nhau, cô Yến đã chia học sinh làm 2 nhóm cùng tham gia trò chơi “Ai nhanh hơn”. Mỗi lượt chơi, hai nhóm sẽ lựa chọn thành viên ngẫu nhiên ngồi đối diện và bị ngăn cách bởi tấm rèm. Sau khi tấm rèm hạ xuống, nhiệm vụ của học sinh là đọc thật nhanh tên thành viên đội bạn. Sau 3 phút đội nào gọi được nhanh và chính xác tên thành viên đội bạn nhiều hơn sẽ giành chiến thắng.
Trò chơi này không chỉ giúp Ếch Cốm nhanh chóng ghi nhớ nhau mà còn khơi gợi nhiều cảm xúc: hồi hộp – vì không biết ai sẽ xuất hiện sau tấm rèm; lo lắng – vì không biết bạn có nhớ tên mình không và ngược lại; bất ngờ – vì “hóa ra là bạn ấy”,… Những cảm xúc này đã được Ếch Cốm gọi tên và mô tả ở trò chơi thứ 2: Gọi tên cảm xúc.
Ở trò chơi này, 2 nhóm sẽ tìm kiếm nhiều nhất có thể những từ ngữ gọi tên cảm xúc. Hơn 2 phút với biết bao cảm xúc được nhận diện đã giúp Ếch Cốm biết cách chăm sóc đời sống tinh thần và nhận ra vai trò quan trọng của cảm xúc, đó là giúp cuộc sống của chúng ta trở nên sống động hơn. Dù là cảm xúc tiêu cực hay cảm xúc tích cực cũng đều mang ý nghĩa riêng, bởi vậy, hãy tìm cách gọi tên và lắng nghe cảm xúc của chính mình.
Sau khi đã hiểu những cảm xúc của bản thân, Ếch Cốm đã cùng tham gia một trò chơi vận động để giải phóng cảm xúc. Mỗi trái bóng trong trò chơi sẽ tượng trưng cho cảm xúc “khó chịu”. Trong vòng 3 phút, các thành viên mỗi đội sẽ cùng ném trái bóng sang khu vực của đội bạn.
Sau khi ném đi những trái bóng “cảm xúc tiêu cực”, Ếch Cốm nói rằng bản thân mình thấy rất thoải mái. Ngược lại, khi con nhận được những trái bóng tương tự, con cảm thấy khó chịu, bực tức thậm chí là giận dữ. Và có những trái bóng được ném đi nhưng không va chạm vào bạn nào, không làm ảnh hưởng đến ai.
Từ đó, Ếch Cốm nhận ra: Mọi cảm xúc đều được chấp nhận nhưng cách bộc lộ cảm xúc qua hành động có thể phù hợp hoặc không phù hợp. Bộc lộ cảm xúc như thế nào là lựa chọn của bạn trong mọi tình huống. Và “Tôi lựa chọn” cách tôi bộc lộ cảm xúc sao cho lành mạnh và an toàn nhất.
“Trước khi Workshop diễn ra, con tò mò không biết mình sẽ được học điều gì. Khi bước vào căn phòng có âm nhạc du dương con thấy rất dễ chịu, thả lỏng.” Tiến Thành ( lớp 6A3) kể lại, “Con bất ngờ khi từng hoạt động trong Workshop được tổ chức. Sau mỗi hoạt động con như tiến thêm một bước trong hành trình khám phá cảm xúc của mình.”
Cảm xúc là thành tố quan trọng trong sức khỏe tinh thần. Khám phá cảm xúc, hiểu cảm xúc và làm việc với cảm xúc là cách để chúng ta cân bằng và có được một đời sống tinh thần khỏe mạnh. Tại FPT Schools, chúng tôi rất coi trọng vấn đề sức khỏe, an toàn và hạnh phúc của học sinh, đồng thời luôn nỗ lực tạo ra một môi trường giáo dục tiên tiến và trên hết là đào tạo ra những nhân tài tốt cả về tri thức, thể chất lẫn tinh thần.
Theo kế hoạch năm học 2020-2021, trong học kỳ 1, FPT Schools sẽ tổ chức chuỗi workshop tâm lý cho học sinh khối THCS và các GV. Thông tin chi tiết sẽ được gửi để CBGV và học sinh toàn trường qua hòm thư điện tử.