Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đứng lớp dạy Toán cho học sinh FPT theo phương pháp kiến tạo
Ngày đăng: 12/06/2023
Theo chia sẻ từ Chủ tịch Trương Gia Bình, phương pháp kiến tạo (constructivism) là phương pháp khuyến khích học sinh tự học, tự nghiên cứu và tự xây dựng kiến thức cho mình, còn giáo viên chỉ đóng vai trò tổ chức điều khiển và kiểm soát quá trình tự học của học sinh.
Với cách học này, học sinh được phát huy toàn diện vai trò của bản thân. “Các em vừa là trò, vừa là thầy, vừa là bạn”.Người đứng đầu FPT từng khẳng định constructivism – thuyết kiến tạo là “sức mạnh làm nên tôi và FPT ngày hôm nay”.
Hơn 20 học sinh lớp 6 FPT đã tham gia trải nghiệm học môn Toán với chủ đề: “Bài toán kinh tế biển dưới góc nhìn của học sinh lớp 6”. Theo đó, giáo viên sẽ hạn chế lối thuyết giảng truyền thống trên lớp, mà sẽ chuẩn bị tài liệu, hướng dẫn cho học sinh cách học bài, cách nghiên cứu bài trước khi đến lớp. Khi lên lớp, giáo viên sử dụng bộ câu hỏi kiến tạo đã chuẩn bị, đặt câu hỏi để người học lần lượt trả lời.
Phương pháp này đòi hỏi học sinh luôn phải nghiên cứu tài liệu trước khi đến lớp. Khi đến lớp, học sinh chủ động trả lời các câu hỏi, lắng nghe hoặc phản biện câu trả lời của học sinh khác để từ đó rút ra kiến thức cho bản thân. Lớp học chia thành các nhóm để các em học sinh thuận tiện đặt ra các vấn đề, trao đổi, phân công nhiệm vụ, phối hợp cùng nhau giải quyết vấn đề.
Để tạo hứng thú cho học sinh, ngay khi bắt đầu giờ học, Chủ tịch FPT công bố sẽ dành tặng phần quà đặc biệt cho nhóm xuất sắc nhất, cũng như cho các học sinh tích cực phát biểu xây dựng bài trong giờ học. “Món quà không nhất thiết là phải to lớn, nhưng nó mang ý nghĩa với học trò. Đó là động lực, là trân trọng, ghi nhận những nỗ lực của các con học sinh” – anh Bình chia sẻ.
Tại tiết học, học sinh sử dụng máy tính cá nhân để học trên nền tảng số EduNext. Nền tảng này cho phép thầy cô tạo ra những nhóm học tập để học sinh tương tác qua tin nhắn, trả lời các câu hỏi, đánh giá chéo, tích hợp học liệu, thưởng sao… hỗ trợ tối đa để học sinh tiếp cận kiến thức một cách chủ động, từ đó học tập hiệu quả hơn.
Xuyên suốt 45 phút diễn ra tiết học, tất cả các kiến thức lý thuyết được thầy giáo đặc biệt liên hệ với những bài học thực tiễn trong cuộc sống. Học sinh không nghe kiến thức một chiều và ghi chép như lớp học truyền thống mà vận dụng kiến thức để thực hành tính toán các dữ liệu, so sánh và tìm ra các chỉ số. Đồng thời, sau khi hoàn thành giải quyết các vấn đề thầy giáo đặt ra, các nhóm được hoán đổi bài để chấm chéo. Đây cũng là cách giúp học sinh phải liên tục làm việc, đồng thời ôn lại kiến thức nhiều lần.
Vấn đề vĩ mô “Kinh tế biển” trở nên gần gũi hơn với học sinh trong tiết học này. Học Toán với người đứng đầu FPT nhưng không có học sinh nào tỏ ra e ngại mà đều xung phong trình bày ý kiến, quan điểm cá nhân rõ ràng, mạch lạc. Chính điều này đã để lại ấn tượng vô cùng đặc biệt với Chủ tịch FPT về thế hệ học sinh trường Tiểu học và THCS FPT.
Với triết lý “Giáo dục đào tạo là quá trình tổ chức và quản lý việc tự học của người học”, Tổ chức giáo dục FPT đã nghiên cứu bài bản và chính thức đưa phương pháp kiến tạo xã hội vào chương trình học của các hệ đào tạo. Đồng thời, phần mềm EduNext cũng được phát triển và đưa vào quá trình giảng dạy để hỗ trợ tối đa cho phương pháp này.
Lớp học môn Toán 6 được giảng dạy theo phương pháp kiến tạo xã hội tại trường Tiểu học và THCS FPT nhằm giúp học sinh rèn luyện các kỹ năng: tự học, làm việc nhóm, hợp tác, thuyết trình… Đây là hành trang tốt nhất tạo nên những kỹ năng cốt lõi của công dân thế kỷ 21. Đồng thời, cũng là cơ hội để giáo viên của FPT Schools hiểu rõ hơn và áp dụng được phương pháp kiến tạo trong hoạt động dạy và học môn Toán cũng như các môn học khác.
Chủ tịch FPT cũng trao đổi trực tuyến qua nền tảng OnMeeting với hơn 300 cán bộ, giáo viên trong toàn hệ thống phổ thông FPT Schools về phương pháp kiến tạo xã hội.