Những phương châm giáo dục độc đáo và phương pháp giảng dạy sáng tạo của thầy cô trường F

Ngày đăng: 20/11/2020

Mỗi thầy cô của Ếch Cốm đều có cho mình một phương châm giáo dục độc đáo khi làm nghề. Từ quan niệm riêng của mỗi người, các thầy cô không ngừng sáng tạo những phương pháp giáo dục khơi nguồn cảm hứng học tập cho học sinh.

 

Phương châm giáo dục - cô Ánh Tuyết

“Nếu một người giáo viên chỉ lên lớp để truyền đạt kiến thức một cách rập khuôn thì việc dạy và học sẽ không đạt được thành công như mong đợi. Tôi nghĩ rằng mình thực sự cần nhập tâm vào việc dạy học và đích đến của mình là khai phá năng lực của từng học sinh. Và vì bản thân mình cũng từng là học trò vậy nên tôi hiểu học sinh cần gì để đem đến cho các con.” – Cô Ánh Tuyết chia sẻ.

Cứ chuẩn bị đến tiết STEM hay Sinh học của cô Ánh Tuyết, học sinh lại mong ngóng chờ đợi những bất ngờ cô sẽ đem đến. Từ chính những trải nghiệm của bản thân khi còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường, cô Ánh Tuyết luôn tìm kiếm cách truyền đạt kiến thức đến học sinh sao cho dễ hiểu và thú vị bởi cô hiểu nếu đơn thuần giảng dạy những kiến thức trong sách giáo khoa sẽ khiến học sinh cảm thấy nhàm chán và vô vị.

Chẳng hạn, khi học về “Cấu tạo và chức năng của hoa”, cô Ánh Tuyết sẽ bật mí cho học sinh biết: bông hoa cúc mà mọi người thường gọi thực chất là một đóa gồm nhiều bông hoa cúc. Mỗi cánh hoa (theo cách gọi thông thường) thực chất là một bông hoa nhỏ.

Những kiến thức mở rộng, những cách truyền đạt thú vị và gợi ý áp dụng trong thực tiễn của cô Ánh Tuyết đã khơi dậy niềm đam mê khám phá, tìm hiểu về thế giới xung quanh của Ếch Cốm.

Phương châm giáo dục cô Hoài Nga

 

Cô Đinh Vũ Hoài Nga hiện đang là giáo viên giảng dạy bộ môn Âm nhạc tại FPT Schools. Âm nhạc vốn là môn học của cảm xúc, người thầy không đơn giản truyền đạt nội dung bài giảng mà còn có vai trò dẫn dắt cảm xúc để học sinh thăng hoa và cảm nhận nghệ thuật. Để thực hiện được những yêu cầu ấy, cô Hoài Nga không ngừng cố gắng hoàn thiện bản thân về cả phương châm và phương pháp giáo dục.

Cô Hoài Nga tâm sự: “Có những học sinh rất trầm, rụt rè và nhút nhát thì mình phải sôi nổi gấp 2, gấp 3 lần để các bạn ấy chủ động hơn trong việc học. Nhưng cũng có những bạn rất dạn dĩ và bản thân các con đã sôi nổi thì mình phải lùi về phía sau, hỗ trợ cho các bạn ấy tỏa sáng. Trong mỗi bài giảng, mình phải biết làm mới, biết tạo ra nhịp điệu bằng việc tổ chức xen kẽ các hoạt động như trò chơi chẳng hạn để học sinh vừa dễ hiểu và tiếp thu bài, vừa tránh nhàm chán.”

Học sinh ở lứa tuổi các con rất nhạy cảm và thông minh nên các con sẽ cảm nhận được rất rõ sự nhiệt tình của người giáo viên. Người giáo viên càng nhiệt tình và yêu nghề bao nhiêu thì học sinh càng có động lực học tập và phấn đấu bấy nhiêu.

 

Phương châm giáo dục thầy Minh Tiến

Nụ cười bẽn lẽn và hiền lành đã trở thành thương hiệu của thầy Minh Tiến – giáo viên Tin học – Lập trình tại trường TH&THCS FPT Cầu Giấy. Thầy Minh Tiến luôn điềm đạm trong cả suy nghĩ, lối sống và cách giảng dạy.

Với thầy, công việc của một nhà giáo đó là định hướng đúng cho học sinh: “Tư duy của học sinh luôn cần được rộng mở, các bạn không cần và không nên rập khuôn theo thầy. Với mỗi bài tập mình đưa ra, mình tôn trọng và khuyến khích các con hãy làm theo những gì các con nghĩ miễn là nó thoải mãn yêu cầu bài học. Thêm nữa, từ những sáng tạo của các con mình có thể định hướng để các con tìm được con đường đi phù hợp nhất cho bản thân.”

 

Phương châm giáo dục cô Linh Chi

Là một giáo viên với 10 năm kinh nghiệm, cô Linh Chi – giáo viên khối Tiểu học luôn tỉ mỉ quan sát từng đối tượng, từng thế hệ học sinh. Cô nhận ra những đặc trưng tính cách của từng khóa học, ví dụ những bạn tuổi Mèo sẽ ngoan ngoãn nhưng tính cách có phần “lì”, những bạn nhỏ tuổi Hổ thì nghịch hơn và còn có thể sẵn sàng va chạm trong lúc chơi đùa nhưng bù lại các bạn rất thông minh,… Sự quan sát thầm lặng của người thầy đã giúp cô Linh Chi có cái nhìn thấu cảm để hiểu sâu sắc từng học sinh của mình.

“Khi làm giáo viên mình đồng thời là người thầy, người mẹ nhưng cũng phải là người bạn đối với học sinh. Khi dạy các con, mình hướng dẫn truyền đạt, mình là người thầy, ngoài những lúc đó, mình quan tâm và yêu thương các con giống như con của mình và khó nhất những cần phải làm được đó là làm bạn với học sinh. Khi mình là bạn rồi, mình mới hiểu học sinh nghĩ gì và tìm cách đồng hành cùng các con.” – cô Linh Chi chia sẻ.

Trong quan niệm giáo dục của cô Linh Chi, mỗi học sinh là một cá thể riêng biệt và với mỗi bạn, người thầy cần có phương pháp dạy học khác nhau. Tùy năng lực của học sinh, cô Linh Chi sẽ đặt ra những mục tiêu cụ thể. Nếu học sinh ở mức độ khá, việc đầu tiên là chấp nhận khả năng của học sinh để tránh kỳ vọng và áp đặt lên con những mục tiêu quá lớn. Thầy cô sẽ dành nhiều thời gian để chỉ dạy các con nắm chắc kiến thức cơ bản và hoàn thành tốt bài tập ở mức độ khá. Còn đối với các bạn nhỏ có năng lực ở mức giỏi cô luôn động viên khuyến khích để các con làm tốt hơn nữa, trau dồi và phát huy tối đa năng lực bản thân.

Mỗi người thầy là một quan niệm, một cách nhìn đặc biệt về giáo dục. Từ cách quan niệm về giáo dục, các thầy giáo cô giáo tìm tòi, khám phá để làm mới, cải thiện cách giáo dục sao cho có hiệu quả nhất đối với học sinh. Tựu trung, ở những thầy cô nhà F, người ta luôn luôn nhìn thấy ngọn lửa nhiệt huyết, tình yêu cháy bỏng dành cho nghề và cho người.

Tháng 11 – tháng tri ân nghề giáo, xin kính chúc các thầy cô nhà F nói riêng và tất cả những người làm giáo dục nói chung có thật nhiều sức khỏe và niềm vui để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Tin cùng chuyên mục

Đăng ký tư vấn

  • ▪ Địa chỉ: Khu Đại học Nam Cao, P. Hoàng Đông, TX. Duy Tiên, Hà Nam

Tin mới nhất

Chuyên mục

Sự kiện sắp diễn ra

thumb web 1 4
16:00
Trường Tiểu học, THCS và THPT FPT - Khu Đại học Nam Cao, P. Hoàng Đông, TX. Duy Tiên, Hà Nam