Cán bộ, giáo viên FPT Schools trao đổi kinh nghiệm tại Hội thảo giáo dục “Nền tảng xây dựng văn hóa chất lượng”
Ngày đăng: 08/06/2020
Ngày 06/6/2020, FPT Schools Cầu Giấy tổ chức hội thảo dành riêng cho đội ngũ CBGV của trường bàn luận về chủ đề “Nền tảng xây dựng văn hóa chất lượng”.
Hội thảo có sự tham gia của: Diễn giả TS. Trần Thị Thu Hương – Giảng viên bộ môn Kiểm định và Đảm bảo chất lượng, Khoa Quản trị chất lượng, Trường ĐH Giáo dục – ĐHQGHN và hơn 60 cán bộ giáo viên trường Tiểu học và THCS FPT Cầu Giấy.
Với mong muốn trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về xây dựng văn hóa chất lượng trường học, và tạo cơ hội để CBGV làm quen, tiếp cận các phương pháp kiểm định và quản lý chất lượng giáo dục ở một số công cụ điển hình, hội thảo tập trung vào 04 vấn đề chính:
- Tìm hiểu khái niệm chất lượng giáo dục, mô hình quản lý chất lượng, đánh giá chất lượng;
- Khám phá bản thân: sức mạnh, tâm thế và trách nhiệm;
- Nhìn nhận vấn đề còn tồn tại trong bản thân và nhóm: định luật về sự hiệu quả;
- Các nền tảng xây dựng văn hóa chất lượng trong nhà trường – thực hành áp dụng cách giải quyết các vấn đề.
“Muốn phát triển được, trước tiên cần hiểu rõ bản thân”
– TS. Trần Thị Thu Hương –
Sau khi đưa ra góc nhìn tổng quan về chất lượng giáo dục, TS. Trần Thị Thu Hương hướng các CBGV tự nhìn lại và hiểu rõ hơn bản thân mình thông qua các câu hỏi: Tôi có phải là người có sức mạnh? Bản án cuộc đời” (nét tính cách đặc trưng) của tôi là gì? Tâm thế mà tôi đang đặt trong công việc hiện tại ở trạng thái nào? Làm sao tôi có thể làm được nhiều việc hiệu quả trong một khoảng thời gian với một tâm thế thảnh thơi?
Bằng cách trung thực giải đáp cho chính mình, thầy cô đã hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, từ đó có những cách để khắc phục điểm yếu, trau dồi ưu điểm, nâng cao chất lượng giảng dạy và tạo nên nét văn hóa đặc trưng của FPT Schools.
Trong phiên thảo luận đầu tiên, các thầy cô sẽ tuyên bố trách nhiệm của bản thân và trình bày các lí do khẳng định mọi người có thể hoàn toàn tin tưởng mình.
Lắng nghe là nút thắt trong việc xây dựng đội ngũ hiệu suất cao
Trong mô hình quản lý hiện đại, làm việc nhóm ngày càng phổ biến và mang lại hiệu quả lớn nhưng cũng sẽ phát sinh khó khăn và mâu thuẫn nếu các thành viên trong nhóm chưa hiểu nhau. Để các CBGV hiểu rõ hơn, diễn giả đã chia sẻ về những ưu điểm – hạn chế của việc hoạt động đội nhóm và 4 nền tảng cần thiết để nhóm làm việc đạt hiệu suất cao.
Vậy “vấn đề của những cuộc họp kéo dài mà không có hiệu quả là gì? Tại sao đôi lúc tôi còn gặp khó khăn trong việc khiến người khác hiểu mình? Tôi cần làm gì để thay đổi điều này?” – TS. Trần Thị Thu Hương tiếp tục đưa ra các câu hỏi nhằm giúp CBGV nhìn ra vấn đề giữa bản thân và đội nhóm.
“Gốc rễ của mọi vấn đề chính là bản thân mình”
– TS. Trần Thị Thu Hương –
Theo diễn giả: “Vấn đề những cuộc họp kéo dài vì ta không chú ý lắng nghe, dẫ n đến việc phản đối lại những ý kiến giống mình hoặc là tốn thời gian để giải thích những thứ mình đã đề cập. Và để thay đổi điều này chúng ta chỉ cần chú ý lắng nghe – chính sự lắng nghe sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho bản thân và những người xung quanh.”
Qua 6 phút thực hành: “Hãy chọn một người bất kì và nói chuyện, trong cuộc hội thoại đó hãy áp dụng kĩ năng lắng nghe trọn vẹn để thấu hiểu họ”, và 1 phút ghi nhận những đóng góp của mỗi cá nhân, các thầy cô đã thống nhất Quy trình đồng thuận:
- Luôn chú ý lên trên bảng/màn hình;
- Lắng nghe;
- Duy trì cuộc hội thoại hiệu quả (không than phiền dai dẳng, không dài dòng phát biểu, buông bỏ những câu chuyện từ quá khứ);
- Truyền sức mạnh cho bản thân để phát biểu ra khi bạn có điều muốn nói giúp cho cuộc hội thoại tiến triển;
- Hãy làm theo sự dẫn dắt của người lãnh đạo;
- Hãy đồng thuận những gì đã được tạo ra (không quay lại);
- Đừng quá tỉa tót từ ngữ.
Chia sẻ về điều ấn tượng nhất trong hội thảo, cô Lê Thị Thu Hà – GV Toán học FPT Schools cho biết cô thích nhất phần khám phá sức mạnh bản thân và tuyên bố trách nhiệm bởi “nhờ những câu chuyện của mọi người mà tôi đã hiểu rõ hơn những đồng nghiệp của mình. Chắc chắn trong thời gian tới, chúng tôi sẽ làm việc với nhau hiệu quả hơn”.
Hội thảo “Xây dựng nền tảng văn hóa chất lượng” mở đầu cho chuỗi các hội thảo, workshop, diễn đàn tập huấn trong thời gian tiếp theo để giúp nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự và môi trường văn hoá chuyên nghiệp, hoàn thiện của trường Tiểu học và THCS FPT Cầu Giấy, để từ đó tạo dựng và hoàn thiện môi trường học tập hạnh phúc.